Bộ dữ liệu các cây thuốc của đồng bào Pako – Vân kiều liên quan đến tác dụng chống ung thư
1. AV 02 - Bù dẻ lá lớn
· Tên khác: Bồ quả lá to
· Tên khoa học: Uvaria cordata (Dun.) Wall. ex Alston – Annonaceae
· Đặc điểm thực vật
Dây leo thân gỗ hoặc cây thảo nhỏ thân gỗ. Cành non có lông tơ. Lá lớn, cỡ 14-30 x 10-16cm, biến đổi từ tròn đến bầu dục hoặc thuôn, chóp lá có mũi nhọn ngắn, gốc hình tim, mặt trên (trừ gân chính) nhẵn, mặt dưới (nhất là trên các gân) có lông, gân bên 16-23 đôi, nổi rõ ở mặt dưới, cuống lá dài 7-10mm, có lông tơ. Hoa mọc đơn độc hoặc nhóm họp 2-3 chiếc, cuống hoa dài 1-2 cm, có lá bắc nhỏ ở gốc, nụ hở. Lá đài hợp ở gốc thành đấu, mặt ngoài có lông tơ. Cánh hoa hình trái xoan, 2 x 1,3cm, thường hợp nhau ở gốc, cả 2 mặt đều có lông.
Hình 1. Cây Bù dẻ lá lớn
· Phân bố và sinh thái
Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Malaixia, Xrilanca, Inđônêxia và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở bìa rừng, tới độ cao 700, từ Bắc Thái, Hà Tây qua Quảng Trị, các tỉnh Tây Nguyên đến Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang. Thu hái lá và rễ quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
· Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm người dân tộc Pako, cây thuốc chữa ung thư, khối u vùng bụng trên. Liều dùng khoảng 5g lá khô/ngày. Có thể dùng thay thế giữa AV 02 – Bù dẻ lá lớn và DK 132 – Bù dẻ tía. Dùng phối hợp với thuốc bổ.
- Ngoài ra cây thuốc có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, trị sốt rét, khó tiêu, đầy bụng, ỉa chảy, phong thấp, lưng gối mỏi, chấn thương, bị thương.
2. AV 03 - Tốc thằng cáng
· Tên khác: Ngà voi, Dây duy
· Tên khoa học: Anodendron paniculatum Roxb. A. DC. – Apocynaceae
· Đặc điểm thực vật
Dây leo cao 15m, thân to 6 - 7cm, chứa nhựa mủ màu trắng, cành vuông, không lông. Lá có phiến dài 10 - 20cm, dai, không lông, gân bên 12 - 14 đôi, cuống dài 1 - 2cm. Xim tam phân ở nách lá và ngọn nhánh, hoa trắng hay ngà. Quả đại nhọn, dài 10 - 15cm, rộng 2cm, vỏ quả dày 2 - 2,5mm, hạt dài 1,5 - 2cm, dẹp, mỏ dài mang mào lông dài đến 9cm. Ra hoa quả từ tháng 2 đến tháng 8.
Hình 2. Cây Tốc thằng cáng
· Phân bố và sinh thái
Loài phân bố ở Đông Bắc Ấn Độ qua Xri Lanca tới Malaixia. Ở Việt Nam, có gặp tại Khánh Hòa và Kiên Giang (đảo Phú Quốc), Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Cây mọc ở rừng núi, có cả ở đồng bằng.
· Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm người dân tộc Pako, cây thuốc chữa ung thư, khối u vùng bụng. Liều dùng khoảng 5g rễ, vỏ cây khô/ngày. Dùng riêng, không phối hợp với các thuốc khác.
- Ngoài ra cây thuốc có khả năng gây độc tế bào trên các dòng tế bào ung thư biểu mô miệng KB (oral human epidermoia carcinoma), ung thư vú BC (human breast cancer cell). Tác dụng kháng histamin, kháng viêm. Ở Ấn Độ, rễ được sử dụng làm thuốc gây nôn và trị ho.
3. AV 08 - Gối hạc
· Tên khác: Đơn gối hạc, Kim lệ
· Tên khoa học: Leea rubra Blume ex Spreng – Leeaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây gỗ nhỏ, mọc đứng, cao 1-1,5 m, phân nhiều cành. Thân cây có hình zic zắc, tiết diện tròn với 6-7 cạnh lồi, thân non có chất nhày, màu xanh lục, có nhiều chấm màu tía, gốc lóng phù to, màu tía, rải rác có lông mịn màu trắng, thân già màu xám đen, sần sùi. Lá có chất nhày, mọc cách, kép lông chim 2-3 lần, đôi khi lá ở phía ngọn kép 1 lần. Lá chét 3-7, phiến hình bầu dục thuôn, gốc nhọn hay tròn, đầu có đuôi nhọn, dài 9-12 cm, rộng 4-6 cm, mặt trên màu xanh lục sậm, mặt dưới nhạt hơn, thường rải rác trên gân lá có lông ngắn, mép lá có răng cưa nhọn, gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới. Cụm hoa ngù, mọc đối diện với lá phía ngọn cành, không cuống hay được mang bởi một cuống màu đỏ, dài 1,5-2,5 cm, bề mặt có rãnh dọc, nhiều lông mịn màu trắng. Hoa nhỏ, màu đỏ, đều, lưỡng tính, mẫu 5, nụ hoa hình gần cầu, đường kính 1-2 mm, cuống hoa rất ngắn, màu đỏ, mặt ngoài có lông mịn màu hung.
Hình 3. Cây Gối hạc
● Phân bố và sinh thái
Phân bố ở Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Ở nước ta gặp ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vào tới Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Cây mọc dại ở những vùng đồi núi. Ra hoa kết quả từ tháng 5-10.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm đồng bào Pako, rễ cây nấu nước uống làm giảm cảm giác đau, giảm khối u sưng ở vùng bụng. Dùng phối hợp với vị thuốc BM 140 – Tô liên. Liều dùng khoảng 8g rễ ngày.
- Ngoài ra cây thuốc được biết đến với tác dụng rễ củ dùng chữa bệnh đau nhức xương khớp, tê thấp, chữa sưng tấy, sưng đầu gối do phong thấp, chữa đau bụng, rong kinh. Hạt dùng trị giun đũa, giun kim, sán xơ mít. Ngày dùng 10-16 g dưới dạng thuốc sắc thuốc bột hay ngâm rượu.
4. BM 135 - Ngõa lông
· Tên khác: Lá mán, Ngãi vàng
· Tên khoa học : Ficus fulva Reinw. ex Blume - Moraceae.
● Đặc điểm thực vật
Hình 4. Cây Ngõa lông
Cây nhỡ cao 6- 8m, màu vàng hung. Cành lớn, nhiều lông dày, màu vàng hung. Lá dày, hình bầu dục - tim, tròn hay hình tim ở gốc, trên có khi chia thuỳ, gân nổi rõ, nhiều lông cứng, màu vàng hung, mép lá khía răng, cuống lớn, lá kèm hình tam giác lớn, tất cả có lông dày cứng. Quả nang trên cành non, hình bầu dục, xếp 3 quả một chỗ, nhiều lông ráp, màu vàng đậm. Có hoa quả tháng 1-3.
● Phân bố và sinh thái
Ngõa lông được tìm thấy ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc nhiều ở ven rừng thứ sinh tại hầu hết các tỉnh trung du và miền núi.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người Pako, Ngõa lông có tác dụng trị khối u vùng bụng dưới, phụ nữ bị khí hư, viêm phần phụ, lâu ngày không khỏi. Dùng 10g cành và lá khô/ngày.
5. BM 140 - Tô liên
· Tên khác: Tô liên bentham
· Tên khoa học: Torenia benthamiana Hance – Scrophulariaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây thảo, phân nhánh nhiều. Phiến lá hình trứng, mép lá có răng cưa, cuống lá dài khoảng 1cm. Hoa mọc ở nách lá, thường một cụm gồm 3 hoa. Đài hoa mảnh dài 6-9mm. Hoa có màu đỏ tía, tím, trắng hoặc xanh nhạt.
Hình 5. Cây Tô liên
● Phân bố và sinh thái
Cây được phân bố tại một số vùng núi miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên Huế.
● Tác dụng, công dụng
Theo kinh nghiệm của người Pako cây được dùng để chữa các khối u vùng dạ dày, bụng, ăn uống khó tiêu. Dùng phối hợp với AV 08 – Gối hạc. Liều dùng 5g toàn cây khô/ngày.
6. BM 141 - An điền sát
· Tên khoa học: Hedyotis pressa Pierre ex Pitard – Rubiaceae
· Đặc điểm thực vật
Dây leo, thân hình trụ và có nhiều mấu. Lá mọc đối, mặt trên xanh đậm, mặt dưới xanh nhạt. Cụm hoa hình chùy, mọc ở nách lá, màu trắng hoặc hơi vàng. Quả nhỏ có nhiều hạt.
Hình 6. Cây An điền sát
● Phân bố và sinh thái
Cho đến nay cây được tìm thấy ở Huế, Đà Nẵng, Gia Lai.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm người dân tộc Pako, dược liệu có tác dụng chữa khối u vùng bụng, vàng da, đau chướng bụng. Dùng khoảng 10 g toàn cây khô/ngày.
- Ngoài ra dược liệu được biết đến với tác dụng gây độc tế bào, chữa đau dạ dày và các bệnh về gan. Có tác dụng hạ sốt, giảm đau.
7. BM 151 - Kim sương
· Tên khác: Mắt trâu cong
· Tên khoa học: Micromelum minutum (Forst. f.) Wight. & Arn. – Rutaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây gỗ nhỏ cao 2 – 6 m, thân cong queo, mập, màu xám xanh, phân cành sớm, dài, lúc non có lông mịn sau nhẵn, tán rộng thưa. Lá kép lông chim 1 lần lẻ, mang 7 – 9 lá phụ, dạng thuôn bầu dục lệch, cong, đầu lá thuôn nhọn dài, gốc tù rộng, lệch, màu xanh lục vàng, thơm, nhẵn (trừ gân ở mặt dưới) mép răng reo, gợn sóng. Gân bên 6 – 8 đôi. Cụm hoa chùy mọc ở nách lá và ngắn hơn lá. Hoa màu trắng nhạt hay vàng. Cuống chung có lông mềm. Hoa cao 0,5 cm, cánh tràng 5, có lông thưa mềm. Nhị đực 10.
Hình 7. Cây Kim sương
Quả mọng dạng trái xoan, màu vàng cam hay đỏ, nhẵn, có nhiều tuyến thơm, chứa 2 -3 ô, mỗi ô 1 hạt. Cây ra hoa vào tháng 11 đến tháng 3, quả tháng 5 – 7.
● Phân bố và sinh thái
Cây phân bố ở Đông Dương, Trung quốc, Malaixia, Mianma, Thái Lan, Ấn Độ, Australia, Sri Lanka, mọc ở rừng núi, trong các rừng thưa. Ở nước ta cây phân bố rộng rãi từ Hà Nội, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cho tới Châu Đốc.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người dân tộc Pako, dược liệu có chữa khối u, hạch vùng cổ, chữa đau bụng, tay chân đau mỏi các chứng tiểu khó, khó thở, ho lâu ngày. Khi dùng kèm với thuốc bổ. Liều dùng 8-10g cành và lá khô/ngày.
- Ở các công bố quốc tế, dược liệu này đã được nghiên cứu có khả năng gây độc tế bào ung thư.
8. DK 29
· Tên khoa học: Planchonella clemensii (Lecomte) P. Royen – Sapotaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây cao 5-20m, vỏ cây có màu nâu tối. Cành nhỏ có nhiều lông xám. Lá hình mũi mác hoặc hình bầu dục. Hoa màu trắng. Nhị hoa có hình mũi mác dài 1-1,5 mm. Nhụy hoa hình trứng dài 1-2 mm. Quả hình trứng, khi chín có màu đen. Hạt hình thoi 6-9 × 3-4 mm. Ra hoa tháng 2-5, quả tháng 10.
Hình 8. Loài Planchonella clemensii
● Phân bố và sinh thái
Cây được tìm thấy ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình.
● Tác dụng, công dụng
- Dược liệu được dùng theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc Vân kiều chữa các bệnh khối u như khối u vùng đầu, cổ, vùng bụng. Dùng phối hợp với DK 62 – Phay, DK 68 để chữa các trường hợp nêu trên. Liều dùng 4-5 g cành và lá khô/ngày.
9. DK 62 – Phay
· Tên khác: Bần bằng lăng
· Tên khoa học: Duabanga grandiflora (Roxb. ex DC.) Walp - Soneratiaceae .
· Đặc điểm thực vật
Cây gỗ lớn, cao 30m, đường kính tới 130cm, gốc cây có bạnh vè nhỏ. Thân thẳng, tròn, chiều cao dưới cành 10-15m. Vỏ nhẵn màu xám hồng hay xám trắng. Cành phân ngang, đầu cành rủ xuống, cành non có cạnh. Lá đơn mọc đối, có lá kèm. Lá hình trái xoan thuỗn, đầu lá tù, đuôi lá tròn hay hình tim, mép lá gợn sóng, khi non có màu hồng nhạt, dài 12-17cm, rộng 5-10cm. Gân bên 10-14 đôi gần song song, nổi rõ ở mặt sau lá. Lá kèm nhỏ hình tam giác dài , sớm rụng để lại vết sẹo rõ. Cuống lá ngắn khoảng 0,5cm.
Hình 9. Cây Phay
● Phân bố và sinh thái
Ở Việt Nam, cây được tìm thấy ở một số vùng núi, hiện có ở khu vực rừng núi cao thuộc Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
● Tác dụng, công dụng
- Dược liệu được dùng theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc Vân kiều chữa các bệnh khối u như khối u vùng đầu, cổ, vùng bụng. Dùng phối hợp với DK 29, DK 68 để chữa các trường hợp nêu trên. Liều dùng 4-5 g vỏ thân/ngày.
- Ngoài ra dược liệu còn được biết đến với tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa.
10. DK 68
· Tên khoa học: Saprosma verrucosum Pitard – Rubiaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây thảo hoặc dạng sống dây leo. Lá mọc đối, có lá kèm. Lá kèm mọc cả hai bên giữa phần thân và phiến lá. Phiến lá hình trứng. Hoa dạng bông nhỏ, lưỡng tính, có lá đài 4-5 thùy, tràng hoa từ 4-5 cánh, mang 4-5 nhị và 2 lá noãn.
Hình 10. Loài Saprosma verrucosum
● Phân bố và sinh thái: Cây được tìm thấy ở vùng núi Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sát vùng biên giới Việt Lào.
● Tác dụng, công dụng
- Dược liệu được dùng theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc Vân kiều chữa các bệnh khối u như khối u, hạch vùng đầu, cổ, vùng bụng. Dùng phối hợp với DK 29 – Phay, DK 62 để chữa các trường hợp nêu trên. Liều dùng 4-5 g toàn cây khô/ngày.
11. DK 106 - Chùm gởi ký sinh
· Tên khác : Cây cui
· Tên khoa học: Helixanthera parasitica L. - Loranthaceae
· Đặc điểm thực vật
Chùm gửi ký sinh thuộc loại cây bụi bán ký sinh, nhánh mảnh. Lá mọc đối, phiến xoan hay xoan bầu dục, dài 5-10cm, rộng 3-5cm, có gân không rõ, không lông, đen khi khô, cuống 8-10mm. Bông ở nách lá, dài 6-10cm, cuống 2mm, đài cao 2,5mm, tràng trắng, vàng hay đỏ, cao 5-8mm, cánh hoa 5, rời nhau, có gốc rất dày, gấp lại ở dưới đoạn giữa. Quả mọng hình trụ hay bầu dục, dài 5-6mm, bao bởi các thuỳ của đài.
Hình 11. Cây Chùm gởi ký sinh
● Phân bố và sinh thái
Loài được tìm thấy ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin. Ở nước ta, nó phân bố ở độ cao 500-1500m từ Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phú, Hà Tây cũ, Thanh Hoá, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Lâm Ðồng, Ninh Thuận, Ðồng Nai, Kiên Giang.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm người dân tộc Vân Kiều, Chùm gửi ký sinh có tác dụng chữa khối u vùng bụng, ung thư dạ dày, làm dịu cơn đau dạ dày. Liều dùng từ 6-10g cành và lá khô/ngày.
- Ngoài ra dược liệu còn được biết đến với tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư, có tác dụng chống oxy hóa, kháng nấm, điều trị các bệnh về gan [81].
12. DK 114 - Dương đầu kết lợp
· Tên khác: Mao trật, Dương đầu tà
· Tên khoa học: Olax imbricata Roxb. – Olacaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây bụi, cao 2-6 m. Lá mọc so le. Phiến lá hình trứng, dài 5-10 cm, rộng 2,5-3,5 cm. Cuống lá dài 5-10 mm. Đài hoa nhỏ, hoa màu trắng hoặc hơi vàng, mọc ở nách lá. Quả hạch hình cầu hoặc hình trứng.
Hình 12. Cây Dương đầu kết lợp
● Phân bố và sinh thái
Cây được tìm thấy ở vùng núi Đakrông (khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông) tỉnh Quảng Trị.
● Tác dụng, công dụng
- Cây được dùng theo kinh nghiệm người dân tộc Pako dùng lá và cành nhỏ sắc uống chữa khối u ở ngực sưng đau, đau dạ dày. Liều dùng khoảng 10g dược liệu khô (cành và lá nhỏ)/ngày.
13. DK 124 - Nhãn chày
· Tên khác: Chuối chác đẻ, Mao quả có mỏ
· Tên khoa học: Dasymaschalon rostratum Merr. et Chun - Annonaceae.
· Đặc điểm thực vật
Cây bụi đứng hay trườn, nhánh nâu hay đen, có chấm trắng, có nhiều mấu sần sùi. Lá mọc so le, có phiến to 20x60cm, mặt dưới mốc mốc có lông nằm, gốc tròn, đầu nhọn, gân phụ 10-13 đôi, nổi rõ ở mặt dưới, cuống lá dài 7-8mm, đài nhỏ, cánh hoa 3, dài 3-5cm, có lông mịn, nhị và lá noãn nhiều. Quả hình chuỗi, khi chín màu đỏ, có nhiều ngăn, mỗi ngăn 1-4 hạt. Hoa tháng 5-7, quả tháng 12.
Hình 13. Cây Nhãn chày
● Phân bố và sinh thái
Loài phân bố ở Trung Quốc, Lào, Việt Nam. Cây mọc ở rừng thường xanh hay những đồi bằng từ Lào Cai, Lạng Sơn đến Miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), Tây Nguyên xuống đến đồng bằng sông Cửu Long (gặp nhiều ở Long An).
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm đồng bào dân tộc Vân Kiều, cây được dùng trong các trường hợp u hạch, u máu, u xương khớp. Ngoài ra còn dùng làm tan máu bầm, chữa tê mỏi đau nhức xương. Liều dùng khoảng 10g lá khô/ngày.
- Ngoài ra có tài liệu còn cho thấy dược liệu có khả năng gây độc tế bào và ức chế sự phát triển của virus HIV.
14. DK 132 - Bù dẻ tía
· Tên khác: Chuối con chồng
· Tên khoa học: Uvaria grandifloraRoxb. ex Hornem – Annonaceae
· Đặc điểm thực vật
Dây leo thân gỗ, dài 8 - 10m. Cành non có lông tơ màu vàng nâu, lá thuôn hình trứng ngược, cỡ (11)13 - 19(24) x (3)5 - 7(10)cm, chóp lá có mũi ngắn, gốc tròn, hoặc hơi hình tim, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông rậm, gân bên khoảng 13 - 20 đôi, rõ ở mặt dưới, cuống lá dài 4 - 5mm. Hoa thường mọc đơn độc, cuống hoa dài 1 - 2cm, có 2 lá bắc dạng lá lớn (cỡ 2,5 - 3,5 x 2 - 3cm), Đài bao kín nụ hoa, lá dài mỏng, hình trái xoan hay hình tròn, đường kính 2cm, mặt ngoài có lông ngắn.
Cánh hoa rời, màu đỏ tía, hình trái xoan, cỡ 3 - 4 x 2cm, cả 2 mặt đều có lông. Nhị dài 6 - 7mm, đôi khi có lông ở mép bao phấn, mào trung đới hình lưỡi, rất nhỏ. Noãn 20 - 30, Đế hoa lồi hình bán cầu, đôi khi hơi lõm ở đỉnh. Phân quả hình trụ, dài 4 - 6cm, rộng 1 - 1,5cm, có lông tơ màu vàng nâu, cuống phân quả dài 1 - 2cm, vỏ quả dày (tới 1 - 2mm). Hạt màu vàng hơi nâu, nhẵn. Cây ra hoa tháng 4 - 6, có quả tháng 8 – 9.
Hình 14. Cây Bù dẻ tía
● Phân bố và sinh thái
Bù dẻ tía mọc rải rác trong rừng thứ sinh, ở độ cao dưới 300m. Loài phân bố ở Thanh Hóa, Quảng Bình (Bố Trạch, Ba Rền), Quảng Trị (Đakrông, Hướng Hóa), Thừa Thiên - Huế (Phú Lộc, Sông Hai Nhánh), Đà Nẵng (Tourane), Quảng Nam (Cù Lao Chàm), Khánh Hòa (Hòn Tre), Đồng Nai (Biên Hòa). Ngoài ra Bù dẻ tía còn được tìm thấy ở Ấn Độ (Calcutta), Mianma, Trung Quốc (Quảng Tây, Hồng Kông, Hải Nam), Xri Lanka, Malaixia, Inđônêxia (Java).
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm người dân tộc Pako, cây thuốc chữa ung thư vùng bụng trên. Liều dùng khoảng 5g lá khô/ngày. Có thể dùng thay thế giữa DK 132 – Bù dẻ tía và AV 02 – Bù dẻ lá lớn. Dùng phối hợp với thuốc bổ.
- Ngoài ra dịch chiết từ dược liệu còn có tác dụng gây độc tế bào ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm. Dịch chiết toàn phần có khả năng chống oxy hóa tốt, chữa ung thư dạ dày, bệnh beri-beri và trị ngộ độc thực phẩm. Theo kinh nghiệm dân gianở Malaysia, lá U. grandiflora được nấu chínuống để điều trị đau thắt lưng, đầy hơi, làm dịuđau bụng và hỗ trợ trong phục hồi cho phụ nữ sau khi sinh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài
Bộ dữ liệu các cây thuốc của đồng bào Pako – Vân kiều liên quan đến tác dụng chống ung thư
Reviewed by Huỳnh Ngọc Tuyên
on
tháng 11 04, 2018
Rating:
Không có nhận xét nào