Bộ dữ liệu các cây thuốc của đồng bào Pako – Vân kiều liên quan đến tác dụng chống oxy hoá
1. AV 04 - Cúc nút áo
· Tên khác: Cúc áo rau, Nút áo rau, Nụ áo gân tím. Tên theo người dân tộc Pako là Sắc ta rum.
· Tên khoa học: Spilanthes oleracea L. – Asteraceae
· Đặc điểm thực vật
Cây có thân nằm trên đất, rồi đứng cao khoảng từ 20-50cm, thân có màu tía. Lá có phiến xoan tam giác, mép nguyên hay có răng, gân gốc 3, gân phụ 5 cặp, cuống lá 1-1,5cm. Hoa đầu đơn độc ở ngọn nhánh, thường ở nơi chẻ hai của nhánh, hình nón màu vàng, cuống tương đối ngắn 1,5-2cm. Quả bế màu đen có 1 răng cao.
Hình 1. Cây Cúc nút áo
● Phân bố và sinh thái
Loài được tìm thấy ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ, được trồng ở Ấn Độ và các nước châu Phi làm rau ăn. Ở Việt Nam cây mọc nhiều nơi, gặp nhiều ở vùng núi, bên bờ ruộng nương rẫy. Có ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của đồng bào Pako, dược liệu được dùng chữa viêm gan, phối hợp trong các bài thuốc chữa bệnh gan. Liều dùng 6-8g toàn cây khô/ngày. Ngoài ra còn dùng chữa đau răng bằng cách dùng dược liệu tươi, rữa sạch, nhai, ngậm.
- Ngoài ra cây thuốc còn được biết đến với tác dụng chống bệnh scorbut, trị bệnh liệt lưỡi, đau cổ họng, đau đầu, trị chứng nói lắp ở trẻ em.
2. BM 87 - Mán đỉa
· Tên khác: Giác, Khét
· Tên khoa học: Archidendron clypearia (Jack) I. Nielsen – Fabaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây nhỡ hay cây gỗ cao tới 10 – 20 m, nhánh ngang, có cạnh. Lá kép mang 4 - 5 cặp cuống bậc hai, mỗi cuống bậc hai mang 3 - 8 đôi lá chét hình bình hành, hình trái xoan hay hình ngọn giáo ngược, gốc hình nêm không cân đối, đầu nhọn và thường có mũi, hơi có lông mịn ở hai mặt hoặc có lông tơ ở mặt dưới.
Cụm hoa là chùm tán hay chùy ở ngọn, phân nhánh đến 3 lần, có lông, các cuống mang tán hay ngù gồm khoảng 10 hoa có cuống 1 - 3mm. Đài hình chén hay hình phễu, tràng hình phễu hay hình chuông, ống nhị bằng ống tràng, bầu có lông mịn hay lông tơ.
Hình 2. Cây Mán đỉa
Quả cỡ 20 x 1cm, dẹp, xoắn theo hình trôn ốc, màu cam vàng ở mặt ngoài, đỏ đỏ ở mặt trong, có lông mềm hay lông tơ. Hạt hình bầu dục hay hình cầu có vỏ màu đen lam. Ra hoa vào tháng 3 - 4, có quả chín tháng 6 - 8. Tái sinh hạt tốt.
● Phân bố và sinh thái
Mán đỉa phân bố tại Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia và Iran. Ở Việt Nam, cây mọc rải rác ở các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) cho tới các tỉnh Nam Bộ như Đồng Nai, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Thường thấy trong các rừng đầm lầy, rừng thường xanh trên đất sét, rừng thưa cây họ Dầu và các rừng hỗn giao rụng lá. Cây ưa sáng, mọc nhanh, ưa đất chua, ưa ẩm, nảy chồi mạnh. Tái sinh hạt khỏe dưới tán rừng có độ tàn che thấp.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của đồng bào Pako, dược liệu có tác dụng chữa các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, vàng da, hoa mắt, mặt đỏ phừng mặt, đau đầu. Có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp với các thuốc khác chữa bệnh về gan. Liều dùng 10g cành mang lá khô/ngày.
- Theo các tài liệu khác, Mán đĩa có tác dụng kháng nấm, vỏ cây chứa tanin có thể dùng thuộc da. Lá dùng làm thuốc nhuộm đen, có thể dùng nấu nước tắm trị ghẻ
- Mán đỉa được sử dụng là cây thuốc dân tộc cổ truyền ở nhiều nước khác như:Ở Ấn Độ và Malaixia, lá được dùng trị đau chân, sưng tấy, thủy đậu, ho và đậu mùa. Vỏ cây có thể dùng nhuộm lưới và nấu nước gội đầu.Còn ở Trung Quốc, lá cũng được dùng trị bỏng lửa, bỏng nước và các loại vết thương, ghẻ lở....
- Dịch chiết Methanol của Mán đỉa thể hiện tính kháng viêm mạnh trên chuột đại thực bào dòng RAW264.7 do dịch chiết có tác dụng phong bế yếu tố nhân hoạt hóa (NF)-κB [125] hoặc ức chế protein 1.
3. BM 123 - Sảng
· Tên khác: Sảng lá kiếm, Sang sé, Trôm thon
· Tên khoa học: Sterculia lanceolata Cay. – Sterculiaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây gỗ nhỏ cao 3-10m, nhánh non mảnh, có lông. Lá đơn, nguyên, phiến lá hình ngọn giáo hay thuôn, có lông hình sao ở mặt dưới, gân bên 5-7 đôi, lá kèm nhọn. Chùm hoa mảnh, ở nách lá, có lông mềm hình sao, nhánh hoa rất nhỏ mang 1-5 hoa, lá bắc hình dải, ngắn và dễ rụng, đài hình chuông, cao 5-7mm, hoa đực có cuống bộ nhị không lông, bao phấn xếp hai dãy, hoa cái có bầu nhiều lông, hình cầu. Quả đại đỏ, có lông, dài 5-8cm, hạt 4-7, đen, to 9x12mm. Ra hoa tháng 4-7, có quả tháng 8-10.
Hình 3. Cây Sảng
● Phân bố và sinh thái
Cây mọc phổ biến trong các rừng thứ sinh từ Hoà Bình, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cho tới Ninh thuận. Thu hái cành mang lá, vỏ quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người Pako, dược liệu được sử dụng để chống viêm, chữa mụn nhọt sưng tấy, lở loét, giải độc khi uống rượu say. Bộ phận dùng là cành mang lá, dùng 7-8g dược liệu khô/ngày, dạng thuốc sắc.
- Theo các tài liệu, vỏ cây được dùng chữa sưng tấy, mụn nhọt. Lá trị đòn ngã sưng đau. Hạt ăn được và có tác dụng xổ nhẹ. Ở Quảng Tây (Trung Quốc), vỏ thân được dùng trị bạch đới. Ở Vân Nam, hạt được dùng làm thuốc thanh phế nhiệt.
4. BM 130 - Dây hương
· Tên khác: Dây bò khai, Rau nghiến
· Tên khoa học: Erythropalum scandens Blume – Olacaceae
· Đặc điểm thực vật
Dây hương là loài dây leo bằng tua cuốn, có cành mềm thòng xuống, vỏ xanh. Lá mọc so le, hình trứng rộng, đầu nhọn, gốc tròn hay hình tim, dài 10-15cm, rộng 5-7cm, có 3 gân gốc, 3-5 đôi gân bên, mặt dưới mốc mốc, cuống lá dài 5-10cm, phù ở hai đầu và hơi dính vào phía trong phiến lá, tua cuốn ở nách lá dài 15-20cm thường chẻ hai. Cụm hoa xim hai ngả, có cuống chung dài 10-15cm. Hoa nhỏ, đơn tính. Quả mọng, hình trái xoan dài 10-15mm, màu vàng hay đỏ, chứa một hạt lớn. Hoa quả tháng 4-6.
Hình 4. Cây Dây hương
● Phân bố và sinh thái
Loài phân bố ở Trung Quốc và Việt Nam. Cây mọc hoang ở ven rừng phục hồi, rừng ẩm từ Bắc Thái, Lạng Sơn cho tới Gia Lai, Đắc Lắc. Thu hái lá non và lá bánh tẻ vào mùa xuân-hè.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người dân tộc Pako, Dây hương được dùng để chữa viêm gan, đầy bụng khó tiêu, vàng mắt. Liều dùng 5-8g dược liệu khô (thân và lá)/ngày. Có thể phối hợp với các vị thuốc chữa viêm gan, vàng da.
- Theo các tài liệu, cây thuốc thường dùng chữa phù thận, đái vàng, đái rắt. Có khi dùng phối hợp với lá Bòng bong, dùng toàn cây sắc lấy nước uống chữa viêm gan siêu vi trùng. Cây còn được dùng chữa viêm gan, viêm ruột, viêm niệu đạo, viêm thận cấp tính.
5. BM 143 - Tam tầng
· Tên khác: Lá bánh giầy, Bộp lông, Nô
· Tên khoa học: Actinodaphne pilosa (Lam.) Merr. – Lauraceae
· Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ cao tới 4m, nhánh non phủ lông dày, nâu nâu. Lá mọc so le, nhọn mũi ở đầu, phủ lông đỏ nâu nâu khi non, nhẵn, bóng ở mặt trên và có lông nâu nâu ở mặt dưới, gân phụ 6-10 cặp, lồi ở dưới. Hoa trắng, thành tán xếp thành chùm ở nách lá. Quả mọng nhẵn, hình cầu, to bằng hạt tiêu, khi chín có màu đen. Hoa tháng 2-3, quả tháng 8-9.
Hình 5. Cây Tam tầng
● Phân bố và sinh thái
Loài được tìm thấy ở Việt Nam, Nam Trung Quốc, Lào. Thường gặp trong rừng thứ sinh ở hầu hết các tỉnh miền Bắc nhiều nhất ở Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cho tới Gia Lai và Lâm Ðồng, ở độ cao dưới 500m. Cây có ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cây ưa sáng, trưởng thành nhanh, chịu được điều kiện khô hạn của vùng đồi trọc. Khả năng tái sinh hạt mạnh.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người dân tộc Pako, cành và lá cây Tam tầng có tác dụng chống viêm, giải độc trong máu chữa các bệnh như ngộ độc, trúng độc, đau bụng, ăn khó tiêu, chân tay đau mỏi.
- Dân gian còn dùng chữa sởi, lỵ và tê thấp. Ở Vân Nam (Trung Quốc) vỏ và lá dùng trị đòn ngã tổn thương và ghẻ lở sưng đau.
6. BM 163 - Ngái nhẵn
· Tên khác: Ngõa khỉ, Ngái khỉ
· Tên khoa học: Ficus hirta Vahl – Moraceae
· Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ 1-2m, có nhánh chỉ hơi to, có lông cứng. Lá hình xoan ngược, thon hẹp và tròn ở gốc, có đuôi ngắn ở đầu, dài 8-15cm, rộng 4-8cm, mỏng, có lông mềm với lông dạng củ hay hơi nhẵn ở trên, có lông dài hoặc chỉ có ít ở dưới trên các gân, mép có răng cưa, có khi chia 3 thuỳ sâu, cuống dài 1-4cm. Quả sung dạng cầu, đường kính 1cm, không cuống.
Hình 6. Cây Ngái nhẵn
● Phân bố và sinh thái
Loài phân bố ở Ấn Độ, Inđônêxia, Malaixia, Trung Quốc và Việt Nam, Lào, Campuchia. Ở nước ta, cây mọc ở rừng thứ sinh và ở các trảng ẩm, lầy, có ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ra hoa quả quanh năm, chủ yếu từ tháng 12 đến tháng 2.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người dân tộc Pako, Ngái nhẵn được dùng để điều trị xơ gan, gan đau nhức, bệnh đái đường, giúp giảm đau đầu, ăn ngon, ngủ ngon. Liều dùng 6-8g cành mang lá khô/ngày.
- Theo các tài liệu, dược liệu có tác dụng hạ đường huyết, kháng viêm, trị tiêu chảy, bệnh phong, bệnh sởi. Ngoài ra quả và hạt có tác dụng gây nôn và nhuận tẩy. Nhựa cây chảy từ rễ dùng uống nhuận tràng. Quả cũng dùng ăn được. Ở Trung Quốc, cây được dùng trị trẻ em cam tích, phong thấp đau xương, bế kinh, sản hậu ứ huyết, đau bụng, viêm tinh hoàn, đòn ngã tổn thương.
7. DK 06 - Lài trâu
· Tên khác: Ớt làn lá nhỏ, tên theo người Vân kiều: Tà tiều
· Tên khoa học: Tabernaemontana bovina Lour. – Apocynaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ, cao 2-4m, nhánh non yếu, hơi dẹp. Lá thường xanh, mọc đối, hình bầu dục, đầu thuôn thành mũi nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới rất nhạt, dài 7-15cm, rộng 3-6cm, gốc từ từ hẹp trên cuống, gân phụ 12-18 cặp, cuống lá cỡ 5mm, nhựa màu trắng sữa. Hoa trắng mọc thành xim ở kẽ lá, đài hoa ngắn, tràng hoa có ống dài, hẹp ngang. Quả đại cong như quả ớt chỉ thiên, có mỏ hẹp nhọn, thường dính từng đôi một, khi chín màu vàng, hạt có vỏ ngoài màu đỏ. Toàn cây có nhựa mủ.
Hình 7. Cây Lài trâu
● Phân bố và sinh thái
Loài được tìm thấy ở Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở vùng rừng núi nhiều nơi từ Lạng Sơn, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hà Tây, tới Thừa Thiên - Huế và Kon Tum. Có thể thu hái rễ, lá quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, thường dùng tươi. Mùa hoa tháng 5 – 6, mùa quả tháng 7 – 8.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người Vân kiều, rễ dược liệu có tác dụng giải độc, dùng cho trường hợp máu xấu, viêm gan siêu vi, hoàng đản. Ngoài ra còn dùng chữa hắc lào, ghẻ lở. Liều dùng 10g rễ khô/ngày.
- Theo các tài liệu dược liệu có tác dụng kháng khuẩn. Rễ dùng trị đau bụng, hầu họng sưng đau, phong thấp tê đau và hen phế quản. Cũng có thể dùng trị rắn cắn và rút gai dằm.
8. DK 19 - Dẻ
· Tên khác: Hoa dẻ thơm, Nối côi, Chập chại, tên theo người Vân kiều : Cọi
· Tên khoa học: Desmos chinensis Lour. – Annonaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây nhỡ mọc trườn, cao 1-3m, nhánh non có lông nâu. Lá có phiến bầu dục tròn dài, mốc ở mặt dưới, gốc tròn hay hình tim. Hoa thường đối diện với lá, cánh hoa 6, màu lục vàng, dài tới 8cm, rộng 1-2cm, nhị cao 1,5cm, lá noãn nhiều. Quả mọng không lông, hình chuỗi 1-4 hạt.
Hình 8. Cây Dẻ
● Phân bố và sinh thái
Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin. Ở nước ta cây mọc ven rừng, bụi, cao độ thấp, từ Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Thái, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, các tỉnh miền Trung tới Khánh Hoà, Kontum, Lâm Ðồng, Ðồng Nai. Cây ra hoa vào tháng 6. Thu hái rễ và lá quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
● Tác dụng, công dụng
- Dược liệu được dùng cho bệnh máu xấu, viêm gan, gan to, viêm thận, phù thủng bệnh đường máu, hay chảy máu. Liều dùng: 6-9g cành mang lá khô/ngày.
- Theo tài liệu, dược liệu có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn, điều trị tiêu chảy, sốt rét. Dùng nước sắc của hoa cho phụ nữ uống chữa đẻ khó. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ và lá trị đau dạ dày, tiêu hoá kém, trướng bụng và ỉa chảy, đau bụng trước khi sinh và xuất huyết, thống kinh, thấp khớp đau nhức xương, viêm thận, phù thũng. Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương. Dùng lá tươi giã nát thêm rượu và đắp vào chỗ đau.
9. DK 40 - Sâm bòng bong
· Tên khác: Sâm rừng, Quản trọng, tên theo người Vân kiều : Ê kin
· Tên khoa học: Helminthostachys zeylanica (L.) Hook. – Ophiolossaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây thảo, cao 20-30cm. Thân rễ nằm ngang có nhiều rễ phụ mập nom như con rết. Lá có cuống dài, màu lục hoặc nâu tím nhạt, phiến không sinh sản dài 12-15cm, rộng 8-12cm, chẻ thành nhiều thùy hình mác, đầu tù hoặc nhọn, có dạng bàn tay, hơi giống lá bòng bong, mép nguyên hoặc hơi khía răng, lượn sóng, phần sinh sản mọc ở gốc phần không sinh sản thành bông dài 5-10cm, có cuống dài bằng bông. Túi bào tử xếp dày đặc quanh trục bông, bào tử hình tròn, không màu hoặc màu vàng nhạt.
Hình 9. Cây Sâm bòng bong
● Phân bố và sinh thái
Cây mọc hoang rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Tĩnh, các tỉnh miền Trung (Quảng Trị đến Quảng Ngãi), vùng Tây Nguyên (Kon Tum). Thường gặp trên đất nương rẫy mới bỏ hoang hoặc trong các đám cỏ thấp ở chân đồi.
● Tác dụng, công dụng
- Dược liệu theo kinh nghiệm người Vân kiều dùng cho bệnh viêm gan mắt đỏ, chữa đau lưng, đau xương khớp. Dùng tốt cho phụ nữ sau khi sinh. Liều dùng 10g rễ khô/ngày. Phối hợp với các vị thuốc chữa bệnh gan hoặc thuốc bổ.
- Theo tài liệu, dân tộc Mông và Dao Đỏ dùng thân rễ sâm bòng bong tươi, thái nhỏ, hầm với gà để ăn làm thuốc bồi dưỡng cơ thể chữa suy nhược, gầy yếu, nhất là cho phụ nữ mới đẻ. Người Tày và Mường lại lấy thân rễ sâm bòng bong phơi khô 100 - 150g, thái mỏng, ngâm với một lít rượu 35 – 40o trong 15-20 ngày, càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần mỗi lần 30ml để chữa đau lưng, nhức mỏi gân xương. Thân rễ sâm bòng bong giã nát, đắp chữa rắn, rết cắn và các loại côn trùng đốt. Ở Malaixia, người ta dùng ăn với trầu không để giảm ho. Ở Ấn Ðộ, người ta dùng trị bệnh đau dây thần kinh tọa.
10. DK 53 - Gừng gió
· Tên khác: Ngãi xanh, Phong không, tên theo người Vân kiều: A pế
· Tên khoa học: Zingber zerumbert - Zingiberaceae.
· Đặc điểm thực vật
Cây cao từ 1 - 1,3m. Thân rễ dạng củ phân nhiều nhánh, lúc non màu vàng, thơm ngọt dễ chịu, sau chuyển màu trắng và đắng. Lá mọc so le, không cuống, mặt trên nhẵn, mặt dưới có long rải rác, mép lá uốn lượn. Cụm hoa hình trứng mọc thẳng từ thân rễ, thường có màu lục, khi già màu hồng đỏ. Quả nang hình bầu dục, hạt màu đen, có áo hạt mềm, màu trắng.
Hình 10. Cây Gừng gió
● Phân bố và sinh thái
Ở nước ta, cây mọc hoang ở khắp nơi trong rừng, nơi đất ẩm ướt, mát ở bìa rừng hay dọc theo ven suối nơi đất núi rậm rạp. Loài tìm thấy ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Mùa hoa và quả vào tháng 5 - 6. Ngoài ra, loài còn được tìm thấy ở Ấn Độ, Indonexia, Malayxia.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người dân tộc Vân kiều, dược liệu là thân rễ, có tác dụng điều trị xơ gan cổ trướng, bồi dưỡng cho phụ nữ sau sinh, kích thích tiêu hóa, ăn ngon, ngủ tốt. Liều dùng 8-15g thân rễ khô/ngày. Lá còn được dùng để xông chữa đau nhức toàn thân.
- Đông y cho rằng gừng gió có vị đắng, cay, tính ấm với công năng tán phong hàn, giảm đau, trị ứ huyết nên trị được chứng trúng gió, chóng mặt, nôn nao, ngất xỉu, đặc biệt có khả năng tẩy độc khiến da dẻ trở nên hồng hào, người khỏe mạnh.
11. DK 71 - Cóc đá
· Tên khác: Cóc chua, Xuyên mọc dũng
· Tên khoa học: Dacryodes dungii Dai & Yakovf. – Anacardiaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây cao 20-25m, đường kính thân cây 70-90cm, vỏ cây có màu hơi vàng. Lá mọc so le, không có lá kèm, cuống lá dài đến 7,5cm. Phiến lá hình mũi mác hoặc hình trứng. Cụm hoa dạng bông, dài đến 40cm. Hoa đơn tính, 3 cánh hoa, cuống dài khoảng 5mm. Bông hoa thường được bao quanh bởi cụm 3 lá bắc. Đôi khi lá đài tiêu giảm. Quả hạch hình trứng dài 4-15cm, rộng 3-6cm, khi chín có màu hồng nhạt chuyển sang màu xanh đậm.
Hình 11. Cây Cóc đá
● Phân bố và sinh thái
Cây được tìm thấy ở Thừa Thiên Huế (A Lưới, Bạch mã), Quảng Trị (Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông), Quảng Bình.
● Công dụng
Theo kinh nghiệm đồng bào vân kiều, dược liệu là cành mang lá, được sử dụng để chữa viêm gan, ăn uống khó tiêu, đau răng, bí tiểu. Có thể dùng phối hợp để chữa các bệnh về gan mật. Liều dùng 10g dược liệu khô/ngày.
12. DK 77 - Cốt khí củ
· Tên khác: Cù điền thất
· Tên khoa học: Polygonum cuspidatum Sieh. Znce – Polygonaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây thảo sống nhiều năm, cao 1-1,5m. Rễ phình thành củ cứng màu vàng nâu. Thân có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le, có bẹ chìa ngắn. Phiến lá hình trứng rộng, mặt trên xanh thẫm, mặt dưới màu nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc thành chùm ở nách lá. Hoa đực 8 nhị, hoa cái bầu 3 góc. Quả khô có 3 cạnh màu nâu đỏ.
Hình 12. Cây Cốt khí củ
● Phân bố và sinh thái
Ở nước ta, cây mọc hoang ở vùng đồi núi và thường được trồng ở nhiều nơi để lấy củ làm thuốc. Cây có thể thu hái quanh năm, đối với rễ củ thu hái tốt nhất là vào mùa thu đông, rửa sạch, thái phiến, dùng tươi hay phơi khô trong râm. Cây ra hoa tháng 6-7, quả tháng 9-10.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người Vân kiều, dược liệu là toàn cây được dùng để chữa viêm gan, vàng da, sốt, đau nhức tay chân, khó thở. Liều dùng 10-15g dược liệu khô/ngày.
- Theo các tài liệu, Cốt khí củ có tác dụng nhuận tẩy, hạ đường huyết, cholesterol, kháng khuẩn, chữa viêm gan, viêm phế quản mạn tính. Dùng ngoài trị bỏng.
13. DK 109 - Chân danh
· Tên khoa học: Eunoymus javanicus Blume – Celastraceae
· Đặc điểm thực vật
Cây gỗ cao 12m, thân to 30cm, nhánh tròn, lông dài, không lông. Cành con có 4 cạnh, màu đỏ tía, cành già tròn màu xám, có vỏ sần sùi. Lá mọc đối, có phiến bầu dục thon, mỏng, không lông, dài 7-18cm, rộng 3-5,5cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép nguyên hoặc có ít răng ở phía đầu lá, mặt trên màu lục, mặt dưới màu đỏ nâu nhạt. gân phụ 6-7 cặp. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim, có cuống dài, hoa 1-3 cái màu hồng gồm 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu có 4 ô. Quả hạch, hình cầu dạng trứng ngược, có những đường sống dọc, khi chín màu vàng, hạt có áo.
Hình 13. Cây Chân danh
● Phân bố và sinh thái
Loài được tìm thấy ở Ấn Độ, Mianma, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malayxia, Inđônêxia, Philippin và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kontum cho tới Kiên Giang (Phú Quốc). Cây ra hoa, kết quả vào khoảng tháng 5-6.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người dân tộc Vân kiều, dược liệu có tác dụng chữa xơ gan, viêm gan, bệnh máu kém, nhiễm độc đường máu, chảy máu. Có thể dùng toàn cây, nhưng lá hay được dùng hơn, liều 8-15g dược liệu khô/ngày.
- Theo tài liệu, dược liệu có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, có tác dụng bổ gan thận, mạnh gân xương, dưỡng huyết, an thai, chữa đau lưng, chân tay nhức mỏi, phong thấp, tê phù, tăng huyết áp, liệt dương, sốt rét. Giúp ăn khỏe ngủ ngon.
14. DK 117 - Cóc kèn sét
· Tên khác: Dây cóc kèn gỉ sắt
· Tên khoa học: Derris ferruginea (Roxb.) Benth. - Fabaceae.
· Đặc điểm thực vật
Cóc kèn sét là dây leo trườn dài 3-5m, nhánh không lông, vỏ trắng. Lá to với 5-9 lá chét hình bầu dục, có mũi, dài 6-13cm, rộng 2-5cm, cứng, màu xanh tươi bóng, gân phụ 5 cặp, cuống phụ 5-7 mm. Chùy hoa cao 25-40cm, có lông sét, hoa nhỏ, hồng hồng hay trắng, dài 3mm, có 5 răng, có lông sét, cánh cờ cao 7-9mm. Quả dẹp dài 5-8cm, rộng 2,5cm, mỏng màu sét hay cam, cánh 3-5mm. Hạt hình thận dài 1,8-2,5cm, nâu tươi hay nâu đỏ.
Hình 14. Cây Cóc kèn sét
● Phân bố và sinh thái
Loài phân bố ở Ấn Ðộ, Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây thường mọc một số nơi thuộc vùng đồi núi các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Tây Ninh, Ðồng Nai.
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm người dân tộc Vân kiều, dược liệu có tác dụng chống viêm, khối u do ngã tụ máu, sưng đau. Dùng phối hợp chữa các bệnh mạch máu, đường máu. Bộ phận dùng là toàn cây, liều dùng khoảng 15g dược liệu khô/ngày. Có thể dùng ngoài (dược liệu tươi) giã đắp làm tan máu bầm.
- Theo các tài liệu dược liệu có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, có khả năng ức chế sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét. Ở Trung Quốc, Ấn Ðộ, rễ được dùng làm thuốc sát trùng.
15. DK 136 - Dây xanh
· Tên khác: Mộc phòng kỷ
· Tên khoa học: Cocculus orbiculatus L. - Menispermaceae
● Đặc điểm thực vật
Dây leo gỗ mọc quấn, dài tới 3m. Lá mọc so le, dài 3-6cm, rộng 1-3cm, có lông, nhất là ở mặt dưới, gân gốc 3-5. Hoa nhỏ màu vàng trắng mọc thành chùm ở nách lá. Quả hạch, đen lam, to 5-6mm. Cây ra hoa tháng 5-6.
Hình 15. Cây Dây xanh
● Phân bố và sinh thái
Cây có nguồn gốc từ vùng lục địa châu Á, phân bố ở Nam Trung Quốc, Nhật Bản. Chưa tìm thấy tài liệu về sự phân bố của loài này ở nước ta tuy nhiên cây đã được tìm thấy ở Quảng Trị (Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông).
● Tác dụng, công dụng
- Theo kinh nghiệm của người dân tộc Vân kiều, dược liệu có tác dụng hạ huyết áp, chữa viêm họng, họng sưng đau, trị mụn nhọt, côn trùng cắn. Liều dùng 15g dược liệu là toàn cây khô/ngày.
- Theo tài liệu, dược liệu có tác dụng gây độc tế bào, kháng viêm, kháng khuẩn. Rễ được dùng trị thấp khớp, đau xương, đau dạ dày, đau bụng, đau bụng kinh, đau họng, viêm thận phù thũng, bệnh đường tiết niệu.
16. DK 152 - Hồng bì dại
· Tên khác: Châm châu, Dâm bôi, Mắc mật, Giổi
· Tên khoa học: Clausena excavata Burm. - Rutaceae
· Đặc điểm thực vật
Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ cao 1-5m, bao giờ cũng xanh, có ít nhiều lông, không có gai. Lá kép lông chim, mọc so le, mùi hôi hôi, mang 15-21 lá chét không cân, mặt trên bóng, mặt dưới dày lông, chuỳ hoa ở ngọn, nụ tròn, hoa màu hồng nhạt, cao khoảng 24mm, có 4 lá đài, 4 cánh hoa, 8 nhị, bầu hình trụ có lông. Quả mọng hình trứng kéo dài, màu cam hay đỏ, không lông, chứa 1-2 hạt.
Hình 16. Cây Hồng bì dại
● Phân bố và sinh thái
Cây mọc hoang ở vùng núi, trên các đồi cây bụi, nương rẫy cũ từ các tỉnh phía Bắc cho tới các tỉnh Tây Nguyên. Cũng thường được trồng trong các vườn gia đình miền núi. Lá và vỏ cây thu hái quanh năm. Cây ra hoa tháng 4-6, quả tháng 7-9. Hạt lấy ở những quả già, dùng tươi hay phơi khô.
● Tác dụng, công dụng
- Dược liệu được dùng theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc Vân kiều chữa ho, viêm họng, viêm xương khớp, bong gân, phối hợp trong các bài thuốc chữa viêm gan. Bộ phận dùng là toàn cây, liều khoảng 10 dược liệu khô/ngày.
- Theo tài liệu dược liệu có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn, kháng viêm, chữa bệnh sốt rét, ức chế ngưng tập tiểu cầu. khản cổ, sưng khớp, bong gân. Ở Java, người ta dùng dịch lá trị ho và trừ giun. Ở Campuchia, còn dùng lá trừ giun cho gia súc. Vỏ cây được dùng chữa đau bụng kém tiêu và ho đờm khản cổ. Thân cây được dùng ở Campuchia làm thuốc hãm uống trị đau bụng có hay không có ỉa chảy. Ở Malaixia, người ta còn dùng rễ và cả lá nghiền ra làm thuốc đắp trị loét mũi và dùng lá nấu nước xông.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài
Bộ dữ liệu các cây thuốc của đồng bào Pako – Vân kiều liên quan đến tác dụng chống oxy hoá
Reviewed by Huỳnh Ngọc Tuyên
on
tháng 11 04, 2018
Rating:
Không có nhận xét nào