Cây vối thanh nhiệt, giải độc bạn chưa từng biết
Cây vối thuộc họ sim. Có nơi gọi là cây trâm nước, là loại cây mọc nhiều ở nhiệt đới. Ở nước ta cây vối được trồng hoặc mọc hoang. Cây cao chừng 5 - 6m, cuống lá dài 1- 1,5cm, phiến lá dai, cứng. Hoa vối gần như không cuống, màu lục nhạt, trắng. Quả vối hình trứng, đường kính 7 - 12mm, có dịch. Lá, cành non và nụ vối đều có mùi thơm dễ chịu đặc biệt của vối.
Theo Đông y, vối có vị hơi chát, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, sát khuẩn. Từ lâu, cây vối (lá, nụ, vỏ, rễ) được người dân dùng làm trà uống giải khát. Lá vối có tác dụng kiện tì, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng, chát trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, tinh dầu vối có tính kháng khuẩn nhưng đặc biệt không hại vi khuẩn có ích trong ruột.
Đặc biệt, nụ vối hỗ trợ chữa bệnh đái tháo đường rất tốt. Theo nghiên cứu, người bệnh đái tháo đường nếu uống thường xuyên chè nụ vối sẽ giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, chống ôxy hóa tế bào, bảo vệ tổn thương tế bào beta tuyến tụy, phòng ngừa đục thủy tinh thể ở người bệnh đái tháo đường và giúp tăng chuyển hóa cơ bản. Điều đặc biệt là uống nụ vối không có tác dụng phụ đáng kể nên có thể uống thường xuyên.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ vối
Hỗ trợ điều trị tăng mỡ máu: Nụ vối 15 - 20g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày hoặc nấu thành nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. Uống thường xuyên sẽ cho kết quả điều trị tốt.
Hoặc dùng 5 loại hoa, gồm nụ vối, kim ngân hoa, hoa cúc, hoa đại, hoa mộc miên (hoa gạo), chế thành dạng trà, uống mỗi ngày, rất tốt cho người bệnh mỡ máu cao.
Trị đau bụng đi ngoài, phân sống: Lá vối 3 cái, vỏ ổi 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Tất cả thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 - 3 ngày.
Chữa đầy bụng, không tiêu: Vỏ thân cây vối 6 - 12g, sắc kỹ lấy nước đặc uống 2 lần trong ngày hoặc dùng nụ vối 10 - 15g, sắc lấy nước đặc uống 3 lần trong ngày.
Chữa lở ngứa, chốc đầu: Lá vối vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu.
Hỗ trợ điều trị viêm gan, vàng da: Dùng rễ vối 200g sắc uống mỗi ngày. Chữa viêm đại tràng mạn tính, đau bụng âm ỉ, thường xuyên đi phân sống: Lá vối tươi 200g, vò nát, thêm 2 lít nước sôi, ngâm trong 1 giờ để uống thay nước.
Chữa đờm thấp, khí trệ hoặc cảm nhiễm ẩm thấp làm bụng đầy, không tiêu, nôn mửa, thân thể nặng nề: Vối 16g, thương truật 16gr, trần bì 16gr và cam thảo 8gr. Tán bột uống 25 – 30 gr/ngày hoặc thêm gừng (3 lát) sắc uống.
Chữa đại tràng táo kết: Vối tùy dùng tán bột cho vào dạ dày lợn, ninh nhừ, sấy khô, tán bột, viên bằng hạt ngô, uống 30viên/lần với nước gừng.
Chữa vị hàn, nôn mửa: Hậu phác, trần bì, bán hạ chế, hoài sơn, hoắc hương mỗi thứ 12gr và sa nhân 8gr, sinh khương 5 lát đem sắc nước uống.
Hỗ trợ trị tiểu đường: Nụ vối 15 - 20g sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày hay hãm uống thay trà. Cần uống thường xuyên.
Nụ vối và lá vối được người dân dùng làm trà uống giải khát rất tốt vì ngoài nước ra, cơ thể còn được cung cấp một số muối khoáng và vitamin cần thiết khi uống nước vối. Tuy nhiên, nếu uống khi đói hoặc uống quá nhiều cũng không tốt cho cơ thể.
Cây vối thanh nhiệt, giải độc bạn chưa từng biết
Reviewed by Huỳnh Ngọc Tuyên
on
tháng 6 16, 2018
Rating:
Không có nhận xét nào